Nếu vàng kém hấp dẫn bất động sản sẽ…

Nếu vàng kém hấp dẫn bất động sản sẽ…

Vàng sẽ bớt sức hấp dẫn?
 
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục gia hạn việc chấm dứt nghiệp vụ huy động vàng để đảm bảo thanh khoản hệ thống những tháng cuối năm. Theo đó, kể từ ngày 25-11 tới, các ngân hàng thương mại phải chấm dứt các nghiệp vụ liên quan tới vàng. NHNN thống kê trong vòng 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã mua vào hơn 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, hiện còn thiếu khoảng 20 tấn. Với tốc độ mua vào như thời gian qua, các ngân hàng cần thêm 2 tháng để có thể mua đủ số vàng cần thiết. Do nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng cao vào cuối năm nên các ngân hàng sẽ tập trung mua vàng và sẽ đe dọa tới an toàn hệ thống. Vì thế, NHNN đang tính tới việc gia hạn chấm dứt nghiệp vụ huy động vàng trong vài tháng tới.
 
Việc các ngân hàng mua vào thời gian qua là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đắt hơn thế giới từ 1 – 3,5 triệu đồng/lượng. Với việc ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3 – 4 - 2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã chặn đứng tình trạng nhập lậu vàng vì NHNN đã độc quyền trong khâu dập vàng (vàng miếng SJC), hạn chế tối đa tình trạng chảy máu ngoại tệ do nhập lậu vàng.
 
Theo ông Lê Minh Hưng, vàng tuy không phải là mặt hàng thiết yếu nhưng lại hút một lượng tiền lớn của nền kinh tế. Chính vì thế phải làm giảm sức hấp dẫn của vàng để người dân bán vàng đưa tiền vào sản xuất kinh doanh.
 
Sẽ tích cực ‘‘phá băng” bất động sản
 
Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản hiện trong tình trạng hết sức khó khăn nên kêu gọi sự đồng thuận từ nhiều phía để hỗ trợ “phá băng” thị trường này. Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản các tỉnh phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế để cho phép rà soát lại các dự án bất động sản, phân loại chi tiết, từ đó cho phép chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng của dự án.
 
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, những dự án nhà ở thông thường chưa bồi thường GPMB, ngoại trừ những dự án có thể nhìn thấy hiệu quả, Bộ Xây dựng và địa phương sẽ yêu cầu chủ đầu tư chưa nên xem xét; đối với những dự án đã GPMB nhưng chưa đầu tư, chưa san nền, hoặc mới đầu tư ban đầu, cần thiết có giải pháp cho chuyển đổi tạm thời mục đích sử dụng, tránh lãng phí. Việc tạm chuyển đổi mục đích sử dụng phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch; đối với những dự án đang xây dựng dở dang nhưng gặp khó khăn, cần điều chỉnh, Bộ Xây dựng sẽ cùng với UBND các địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh công năng, mục đích sử dụng; đối với những dự án đã xây dựng xong nhưng không hấp dẫn, Bộ Xây dựng cũng sẽ cho phép chia nhỏ căn hộ để doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho. Nhóm đối tượng này chủ yếu là các dự án cao cấp, diện tích căn hộ quá lớn, vượt xa khả năng và nhu cầu của người dân…
 
Để có cơ sở cho phép điều chỉnh mục đích sử dụng, công năng của công trình, Bộ Xây dựng và UBND các địa phương sẽ phải phối hợp rất chặt chẽ, khẩn trương để rà soát lại một cách tổng thể quy hoạch, tất cả các dự án bất động sản đang có trên địa bàn. Bộ và các địa phương sẽ thành lập các nhóm chuyên trách cho công tác này. Ngay trong những ngày sắp tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt đề án Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở. Bộ cũng sẽ làm việc với NHNN, các ngân hàng thương mại, các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, ưu tiên vốn cho cả chủ đầu tư, cả người dân có nhu cầu thực sự mua bất động sản.
 
Để có thể “giải cứu” thị trường bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các doanh nghiệp phải rất chủ động, tập trung cơ cấu lại dự án của mình. Doanh nghiệp phải quyết liệt, hạ giá, cơ cấu lại sản phẩm, làm sao để sản phẩm bất động sản đến với người tiêu dùng, đến với người dân, nếu không làm được hoặc không đủ lực phải chuyển cho người khác.
 
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NHNN cũng cho biết, NHNN đã rất tích cực trong việc chủ động đề xuất cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. NHNN cam kết sẽ dành những nguồn vốn nếu thực sự việc mua, bán nhà để thúc đẩy thị trường. Ông Mạnh cũng chỉ ra rằng, việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lâm vào cảnh khó khăn là do để chi phí vốn chiếm quá lớn, một số doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, sử dụng hầu hết là vốn vay, quản lý dự án kém nên kéo dài tiến độ dẫn đến tình trạng gánh lãi chồng chất…
 
Phát biểu của Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đang làm lóe lên những hy vọng về một thị trường bất động sản khởi sắc trong tương lai gần.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật & Xã hội